Tết Hàn Thực là gì và ý nghĩa của ngày lễ này
Tết Hàn Thực là gì và ý nghĩa của ngày lễ này trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam như thế nào? Có thể nói ngày Tết Hàn Thực là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng các nước phương Đông. Vào những ngày này, dù ai đi xa cũng sẽ cố gắng về tới gia đình, cùng nhau ngồi lại bên mâm cơm sum họp. Nếu quý bạn đọc đang thắc mắc về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Hàn Thực thì hãy cùng Tìm Chuyến Bay tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé.
Tết Hàn Thực là gì?
Tết Hàn Thực là ngày lễ bắt nguồn từ Trung Hoa thời Xuân Thu (770 – 221 TCN) với Hàn tức là Lạnh, Thực tức là Ăn. Tết Hàn Thực được hiểu là ngày mọi người ăn đồ lạnh. Vào những ngày này, người ta sẽ sử dụng đồ ăn chay nguội như bánh trôi, bánh chay mà không dùng lửa.
Chuyện kể rằng, dưới thời vua Tấn Văn Công, nước Tấn loạn lạc, vua phải bỏ chạy sống cảnh lưu vong khắp nơi. Vua Tấn Văn Công luôn có vị hiền sĩ là Giới Tử Thôi kề cạnh, phò tá dù người có đi tới đâu. Trên đường lánh nạn, không may lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi mới tự cắt một miếng thịt đùi của mình để nấu ăn dâng lên vua. Tấn Văn Công biết được vô cùng cảm kích.
Trong suốt 19 năm lưu vong, cùng vua trải qua nhiều gian nan, khổ luyện, tới khi Tấn Văn Công giành lại ngôi vương, trở về nước Tấn, nhưng lại vô tình quên đi Giới Tử Thôi. Mặc dù vậy, vị hiền sĩ này không hề oán trách, cũng không hề tham vinh hoa phú quý. Với ông, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ mà bề tôi phải làm. Ông quyết định từ quan về quê, đưa mẹ vào núi Điền Sơn sống những ngày tháng yên bình cuối đời.
Vua Tấn sau này nhớ ra, liền cho người mời Tử Thôi quay lại cung và trọng thưởng. Nhưng ông nhất định không về, kể cả khi vua có ra lệnh đốt rừng, ông cũng thà cùng mẹ chịu cảnh chết cháy trong rừng.
Vua Tấn Văn Công hối hận và vô cùng thương xót một vị hiền tài, không màng danh lợi nên đã lập một miếu thờ Tử Thôi ngay chân núi và đặt tên ngọn núi này là Giới Sơn. Vua cũng hạ lệnh cho dân không được đốt lửa trong 3 ngày từ 3/3 – 5/3 Âm lịch hàng năm để tỏ lòng tưởng nhớ tới ông.
Cũng từ đó, phong tục này lan rộng ra khắp Trung Hoa và được truyền bá sang Việt Nam. Các loại đồ cúng phải được chuẩn bị đầy đủ từ ngày trước đó và mọi người chỉ được ăn đồ ăn nguội đã được nấu sẵn. Tết Hàn Thực cũng ra đời từ đó.
Tết Hàn Thực tổ chức vào ngày bao nhiêu?
Tết Hàn Thực được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Vào những ngày này, mọi người sẽ chuẩn bị bánh trôi chay cùng với hoa quả để dâng lên tổ tiên, ông bà, thần Phật.
Mặc dù bắt nguồn từ một truyền thuyết, nhưng ngày lễ này luôn có ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng dân gian. Tại Việt Nam, Tết Hàn Thực đã có biến đổi để phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán. Mọi người không kiêng lửa mà mọi việc vẫn được diễn ra như bình thường.
Ý nghĩa Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt
Tết Hàn Thực diễn ra trong suốt ngày 3/3 Âm lịch, mọi người dân Việt Nam sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay dâng lên gia tiên, thần Phật với mong muốn bày tỏ lòng biết ơn. Nhiều nơi còn gọi này này là Tết bánh trôi, bánh chay. Món ăn này cũng đã được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị người dân của từng vùng miền trên cả nước.
Bánh trôi, bánh chay dâng lên gia tiên mang ý nghĩa là biểu tượng cho văn hóa, bản sắc và linh hồn thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, cả hai đều được làm từ gạo nếp – thứ cây trồng quen thuộc trên đồng ruộng mà bao đời nay ông cha ta vẫn trồng. Bánh trôi, bánh chay tròn vo, trắng và mềm dẻo còn biểu tượng cho hình ảnh mẹ Âu cơ và bọc trăm trứng trong sự tích Việt thời xa xưa.
Bánh trôi tượng trưng cho 50 trứng nở thành con theo Âu cơ lên rừng, bánh chay lại là 50 trứng theo cha Lạc Long Quân xuống biển mở mang bờ cõi, xây dựng nước non và mang lại cuộc sống ấm no cho con dân trăm họ. Đối với mọi người dân Việt Nam, bánh trôi, bánh chay dâng lên tổ tiên là hoạt động tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng biết ơn những người đi trước.
Ở mỗi vùng miền khác nhau, mọi người lại có cách chế biến bánh trôi, bánh chay khác nhau. Bên cạnh loại bánh làm từ bột gạo nếp với vỏ ngoài trắng tinh, ngày nay mọi người đã sử dụng thêm nhiều nguyên liệu để tạo màu khiến món ăn này thêm phần hấp dẫn. Nhưng dù có thay đổi như thế nào, nhưng ý nghĩa của ngày Tết Hàn Thực trong tâm khảm mỗi người vẫn không hề thay đổi. Tết Hàn Thực còn là ngày lễ để mọi người sum họp, những đứa con đi xa về quây quần bên mâm cơm ấm cúng.