Ý nghĩa Tết Trung Thu trong văn hóa dân gian cổ truyền
Ý nghĩa Tết Trung Thu trong văn hóa dân gian Việt Nam. Tết Trung Thu ở Việt Nam khác gì so với thế giới. Trung Thu là Tết đoàn viên chính là câu nói vô cùng quen thuộc trong tiềm thức người dân xứ Việt. Cứ vào ngày “lành” này, các bé thiếu nhi sẽ có dịp được cầm những chiếc đèn ông sao, đèn lồng nhiều màu sắc và tung tăng khắp phố. Mặc dù vậy, vẫn có khá nhiều người không hiểu ý nghĩa Tết Trung Thu là gì và bắt nguồn từ đâu. Hãy để Tìm Chuyến Bay giúp bạn giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây nhé.
Nguồn gốc của Tết Trung Thu
Tết Trung Thu được hiểu là ngày Tết giữa mùa thu và hiện chưa có nguồn tư liệu nào nói rõ về việc xuất hiện ngày lễ này ở Việt Nam. Theo tích xưa, Tết Trung Thu khởi nguồn từ thời nhà Đường, đời vua Duệ Tôn.
Lúc bấy giờ, vua mới ngự chơi ngoài thành đúng vào một đêm trăng tròn tháng 8, gió mát. Vua gặp được một vị tiên giáng thế là cụ già râu tóc bạc phơ đã hóa một chiếc cầu vồng bắc lên cung trăng và mời vua lên ngự trà. Vua Duệ Tôn lên tham quan cung Quảng, khi trở về ông đã vô cùng luyến tiếc và đã lấy ngày rằm tháng 8 là Tết Trung Thu để nhớ tới kỷ niệm này.
Cũng có tích xưa ghi lại rằng, ngày Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời vua Đường Huyền Tông kể về nàng Dương Quý Phi. Nàng là một tuyệt sắc giai nhân khiến vua mê đắm mà bỏ bê triều đình. Triều thần thấy vậy liền ép vua ban từ cho sủng phi.
Sau khi nàng mất, nhà vua thương nhớ vô cùng, tình cảm ấy đã lay động trời xanh. Một nàng tiên đã giúp nhà vua gặp lại Dương Quý Phi vào đêm trăng sáng nhất năm. Đường Huyền Tông đã quyết định lấy ngày Rằm tháng Tám để tưởng nhớ tới câu chuyện tình yêu của mình.
Tại Việt Nam, Tết Trung Thu là ngày các vị vua nhà Lý năm 1211 tạ ơn Thần Rồng đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, giúp con dân êm ấm. Từ đó, phong tục tổ chức cúng lễ ngày Tết này đã được duy trì tới tận ngày nay.
Mặc dù các điển tích và nguồn thông tin về ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam và Trung Hoa không giống nhau, tuy nhiên đây đều là những ngày lễ vô cùng quan trọng. Nó được biết đến như một ngày của sự sum họp, đoàn tụ của các thành viên trong gia đình. Mọi người sẽ tặng nhau những món quà, tổ chức tiệc tùng, ăn uống và các bé thiếu nhi sẽ được rước đèn, phá cỗ đêm trăng.
Tết Trung Thu vào ngày nào?
Tết Trung Thu thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tám, tức là ngày 15 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Trong ngày lễ này, mọi người sẽ bày cỗ với đầy đủ bánh trái, lễ vật, đèn, hoa và tổ chức các hoạt động vui chơi, nhảy múa tưng bừng.
Nhiều vùng miền còn tổ chức các cuộc thi làm bánh, kéo co, trẻ em thì rước đèn vòng quanh khu phố. Cũng có những gia đình bày cỗ riêng, trong mâm cỗ còn có ông tiến sĩ giấy được đặt ở nơi cao nhất trong nhà với mong muốn cầu cho con đường học vấn hanh thông, rộng mở.
Ở Việt Nam, tại các siêu thị, nhà văn hóa, trung tâm thương mại cũng đều có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, trang trí dành riêng cho các bé thiếu nhi mỗi dịp Tết Trung Thu.
Ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu
Dù phong tục tập quán mỗi quốc gia đều khác nhau, tuy nhiên họ vẫn có điểm chung là con người đều tin rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn rồi lại khuyết cũng giống như niềm vui khi đoàn tụ và chia ly. Đó cũng là lý do mà Việt Nam thường gọi Trung Thu là Tết đoàn viên.
Mặc dù trong năm có khá nhiều ngày lễ, nhưng dịp Tết Trung Thu là cơ hội tuyệt vời nhất để được quây quần bên gia đình thương yêu và làm cỗ cúng. Đêm xuống, ánh trăng chiếu rọi khắp các cung đường ngõ hẻm, trẻ con nô nức rước đèn, phá cỗ, người lớn tụ họp hàn huyên bên ấm chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bàn luận về những câu chuyện quanh cuộc sống hàng ngày.
Trung Thu ở các nước châu Á có gì?
Việt Nam và Trung Quốc
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có nền văn hóa có nhiều nét tương đồng với nhau. Đối với ngày lễ này, họ xem như là biểu tượng của sự đoàn viên. Mặc dù vậy, Tết Trung Thu ở một số quốc gia khác lại mang ý nghĩa đặc biệt.
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, Tết Trung Thu còn có tên gọi khác là Zyuyoga gắn liền với phong tục Otsukimi tức là ngắm trăng ngày rằm. Họ sẽ làm bánh Dango, thưởng trà và tổ chức một số hoạt động nhằm tôn vinh mặt trăng. Trẻ em Nhật Bản sẽ được người lớn tặng lồng đèn cá chép với mong muốn lớn lên sẽ luôn mạnh mẽ, can đảm như những chú cá.
Hàn Quốc
Ngày rằm tháng 8 ở Hàn Quốc có tên gọi phổ biến hơn là Tết Chuseok hay Lễ tạ ơn. Những người con xa xứ sẽ trở về đoàn tụ cùng gia đình, làm lễ tạ ơn tổ tiên và cầu cho công việc được thuận lợi.
Món bánh cổ truyền ở xứ sở kim chi thường làm trong ngày này là bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm – bánh Songpyeon sẽ uống cùng với rượu sindoju/rượu dongdongju.
Thái Lan
Người bạn bên cạnh Việt Nam cũng tổ chức ngày Lễ cầu trăng vào Rằm tháng Tám. Vào ngày lễ này, mọi người tạm gác lại công việc bộn bề và cùng nhau lên chùa dâng hương. Cầu khấn dưới tượng của Quan thế âm Bồ Tát và Bát Tiên cho mọi việc tốt đẹp sẽ đến với gia đình và người thân yêu.
Người Thái Lan thường làm bánh hình quả đào để cầu phước lành và ăn bưởi tượng trưng cho sự viên mãn và đủ đầy.
Triều Tiên
Tết Trung Thu ở Triều Tiên có tên gọi khác là Thu Tịch Tiết là ngày lễ thăm mộ tổ tiên. Mọi người sẽ ra thăm viếng những người thân đã khuất và cùng nhau ngắm trăng, hát múa, kéo co,… Các cô gái ở Triều Tiên sẽ diện những trang phục đẹp nhất vui chơi, tụ họp cùng bạn bè. Người Triều Tiên thường làm bánh Muffin là bánh nướng xốp hình bán nguyệt.
Với những thông tin mà chúng mình chia sẻ ở trên, chắc hẳn các bạn đã hiểu về ý nghĩa Tết Trung Thu rồi phải không. Hãy thường xuyên theo dõi nhiều thông tin hữu ích hơn trên website của chúng tôi nhé.